Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

KÝ ỨC VỀ CHA
(Viết nhân kỷ niệm 70 năm ngày TBLS)




Chuyện xãy ra cách đây 60 năm…
Hôm ấy, anh em tôi đang ngồi chơi cát trước ngạch cửa thì có hai người khách lạ bước vào nhà. Một người cằm trên tay quả lựu đạn. Người kia trên vai mang khẩu súng dài (có lẽ là cận vệ). Cha (Ba) tôi từ nhà sau bước lên chào hỏi hai người. Ba người ngồi uống nước trà và nói chuyện quanh chiếc bàn bằng gỗ kê giữa nhà. Còn nhỏ quá, anh em tôi chưa đủ hiểu Ba tôi và hai người khách lạ ấy nói gì. Nhưng có điều theo cảm tính của trẻ con, tôi biết hai người khách đó là “cán bộ nằm vùng” của “Việt Cộng”, là người “bên mình”. Câu chuyện giữa ba người diễn ra khá lâu. Hình như Ba tôi và hai người khách đang “đôi co” chuyện gì ấy. Anh em tôi vẫn mãi mê với trò chơi cát. Bổng tôi giật mình nghe tiếng vỗ bàn “Rầm” ! Anh em tôi lấm lét quay mặt vào nhà thấy người cằm trên tay quả lựu đạn đứng lên nhìn thẳng vào Ba tôi vẽ mặt giận dữ nói:
- Tại sao anh không cho tôi đánh giặc !
Nói đoạn, người cằm lựu đạn lẹ làng bước mau ra khỏi nhà. Người mang súng cũng bước mau ra khỏi nhà. Cả hai người khách lạ biến vào đám cây rậm rạp như rừng ở phía trước. Tuy mới sáu, bảy, tuổi đầu, nhưng thái độ giận dữ của người khách lạ ấy đã gieo vào lòng tôi một sự lo lắng thật sự. Không biết chuyện không lành gì đây sẽ đến với Ba tôi giữa thời ly loạn này.
Ba tôi vừa bị lính Ngô Đình Diệm bắt cằm tù tại Khám lớn Trà Vinh và nhà tù Phú Lợi (di tích lịch sử cấp quốc gia thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay) vì Ba tôi “chống lệnh nhà binh” không đi cu ly làm sân máy bay Long Toàn khi đứa em tôi mới biết đứng chựng. Đêm hốm ấy, cả xóm tôi người dân đánh trống mõ dậy trời. Tờ mờ sáng, lính bảo an quận đến bao nhà. Ba tôi vừa mở cửa bước ra thì lập tức bị mấy mũi súng chĩa vào hông, lên đạn rôm rốp. Người lính đứng sau thúc mũi súng vô lưng Ba tôi, nạt:
- Đi !
Má đem cơm cho Ba về nói Ba với mấy chục người nữa bị lính quận bắt ngồi phơi nắng ngoài chổ làm sân máy bay Long Toàn. Chiều tối, mọi người được thả về. Ba tôi và một người nữa cùng xóm bị giặc giải về Khám lơn Trà Vinh. Má đi thăm nuôi được gần năm thì Ba bị đày ra nhà tù Phú Lợi. Sau 18 tháng bị giam cầm, Ba tôi được giặc thả về khi đứa em mới đứng chựng của tôi được gần ba tuổi. Nay lại có chuyện lấn cấn gì đây với mấy người “cán bộ nằm vùng” ?... Ba tôi có bị “bên mình” nghi ngờ khai báo gỉ lúc bị tù đày không ? Trước chuyện không bình thường này của người lớn làm tôi lo sợ!

Một chuyện xui rũi nữa lại tiếp tục xãy ra – Sau đó không lâu, ngày 28/9/1960, Ba tôi bị lính Bảo an bảo vệ công trình xây dựng sân máy bay Long Toàn bắn chết tại ấp Giồng Trôm, xã Long Toàn…
Trưa hôm ấy, cô Sáu (Trần Thị Đáng – em ruột của Ba tôi ở ấp Giồng Giếng) đến nhà. Tôi đang đưa đứa em ngũ trên chiếc võng làm bằng dây bố. Vừa bước vào nhà, cô Sáu vừa giỡ chiếc nón lá ra, nước mắt cô ràn rụa nói:
- Ba con bị lính bắn chết rồi. Má con đi ra dinh quận xin thây – Nói đoạn, cô Sáu xốc đứa em đang ngũ trên võng bồng (bế) lên tay. Mấy anh em tôi ré khóc. Từ trưa hôm đó, cô Sáu ở lại nhà vừa khóc, vừa dỗ anh em tôi cho đến ngày hôm sau.
Sau khi bắn chết Ba tôi, bọn lính ngụy bắt mấy người thanh niên gần đó lấy xác ba tôi để trên chiếc võng khiêng lũng lẵng về Chi khu quân sự Long Toàn báo công với quận trưởng. Ra tới dinh quận, Má tôi lạy lục van xin thế nào Chi khu cũng không cho và nói: “Thằng này là Việt Cộng nằm vùng”. Má tôi năn nĩ:
- Xin mấy ông thương tình, chồng tôi đi thăm lúa ở Giồng Trôm bị lính mấy ông bắn lầm thôi chớ không phải Việt Cộng đâu mấy ông à.
Lời năn nĩ của Má tôi bị bọn Chu Khu Long Toàn gạt bỏ ngoài tai. Trời chiều dần. Da trên người Ba tôi bắt đầu lột tuột ra do bị phơi nắng. Má tôi chợt nhớ: Láng giềng với Bà ngoại tôi ở ấp Bến Chuối có người tôi gọi là Bác Năm. Ông ấy có người con trai đi lính tại Chi khu này, anh ta rất ác ôn nên rất có uy tín với bọn chỉ huy. Thế là Má tôi băng đồng lội bộ đến gặp Bác Năm nhờ con trai mình nói giúp. Dính gai thì phải lấy gai mà lể - Má nghĩ vậy.
Nhờ có sự nói giúp của Bác Năm mà Má tôi xin được xác Ba đem về chôn cất ngay trong đêm đó tại ấp Giồng Giếng, cách nhà chừng ba bốn cây số. Khuya lắm Má tôi mới về đến nhà. Má mệt lã người, dóc dáng xộc xệch mềm nhũng, Má khóc rũ rượi. Kể từ hôm ấy, cứ mỗi lần thức giấc tôi đều nghe tiếng Má tôi khóc rấm rức trong đêm tối dày đặc bao phủ căn nhà lá. Trên bàn thờ tang Ba tôi, khói nhang quấn quít quanh ngọn đèn dầu leo lét. Má tôi, người phụ nữ mới bước vào tuổi ba mươi phải sống trong cảnh góa chồng, một mình đùm bọc đàn con trong đói nghèo và chiến tranh bom đạn. Anh em chúng tôi bị mồ côi cha từ đó và cũng như những người trong xóm đều hiễu rằng Ba tôi đi thăm lúa bị lính chi khu bắn chết (mặc dù gia đình tôi chưa có ruộng đất ở chổ đó bao giờ). Thái độ gay gắt, khó hiễu của người cán bộ nằm vùng với Ba tôi hôm ấy đeo đẵng tôi một câu hỏi: Ba tôi là người như thế nào…suốt 37 năm!...Lúc bấy giờ, mặc dù là cán bộ có chức phận của một cơ quan báo chí ở địa phương, nhưng những điều uẩn khúc trong cuộc đời của Ba, với tôi vẫn còn nhiều điều chưa hiễu. Má tôi, sau khi Ba chết, Má tham gia rất cần mẫn công tác đoàn thể phục vụ hậu cần quân đội ở địa phương. Giai đoạn 1968 – 1971, Má là Chi ủy viên, trưởng Ban Cán sự phụ nữ xã (như Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã bây giờ), nhưng tuyệt nhiên tôi cũng không nghe Má nói gì về cái chết của Ba !

Một hôm, vào khoảng giữa năm 1997, Má tôi kêu đến bảo:
-         Con đi làm giấy liệt sĩ cho Ba.
-         Sao hồi đó tới giờ con không nghe Má nói chuyện này ?
Thấy tôi do dự, Má tôi bảo:
- Con đến gặp Chú Ba Mè (Võ Văn Khoái) và Bác Hai Nhâm (Trần Đạt Nhâm), hai người đó kể cho con nghe trường họp Ba con hy sinh để con làm cho Ba tấm Bằng chứng nhận liệt sĩ.
Tôi mừng quá. Bao nhiêu uẩn khúc về Cha luôn vằng vặc tôi suốt 37 năm qua có thể sẽ được giải tỏa từ đây. Tôi cằm bộ hồ sơ khai báo về liệt sĩ cùng đứa con trai đầu lòng lặn lội đi gặp Chú Ba Mè ở Phước Trị và Bác Hai Nhâm ở Giồng Trôm cùng xã để cho nó được trực tiếp nghe kể về trường họp hy sinh của ông nội. Nghe tôi hỏi trường họp chết của Ba, Chú Ba Mè và Bác Hai Nhâm đều trách:
- Trời đất, sao tới giờ mới hỏi chuyện này. Tao tưởng mày đã làm giấy liệt sĩ cho Ba mày xong từ lâu rồi chớ …
Qua câu chuyện của Chú Ba Mè và Bác Hai Nhâm kể về Ba, tôi được biết lúc chết Ba tôi là Trưởng Ban cán sự Thanh Niên xã Long Toàn (chức vụ như Bí thư Chi Đoàn xã bây giờ). Trường họp chết của Ba tôi được Chú Ba Mè và Bác Hai Nhâm chấp nối lại: Cuộc nổi dậy đồng khởi ngày 14/9/1960, xã Long Toàn không được giải phóng nhưng xã đã làm tốt vai trò cầm chân bọn bảo an Chi khu quân sự Long Toàn, tạo cơ hội cho du kích và nhân dân các xã khác trong huyện nổi dậy gở đồn bót địch tự giải phóng xã. Phong trào đồng khởi đang sôi sục dâng trào đúng hai tuần thì ông Nguyễn Văn Tất – Đầu tàu xã (Bí Thư Chi bộ xã) cho mời các trưởng đầu ngành xã về căn cứ rửng Giồng Trôm họp gắp để uốn nắn phong trào, chỉ đạo phát động nhân dân cùng du kích xã tiếp tục đẩy mạnh đồng khởi, cầm chân bảo an Chi khu của địch hỗ trợ phong trào đồng khởi chung toàn huyện. Họp xong, Ba tôi đi tắt đồng từ Giồng Trôm qua Đường Khai (ấp Giồng Giếng xã Long Toàn bây giờ) để về nhà, tránh sự theo dõi của lính đồn Đường Khai đang đóng tại đầu Giồng Bà Phó thì bị tốp lính bảo vệ công trình xây dựng sân máy bay Long Toàn đón đường bắn chết trên ruộng lúa, cách bìa rừng Giồng Trôm chừng hơn trăm thước.
Biết được trường họp hy sinh của Ba, nổi suy tư về Ba trong tôi mấy chục năm qua đã được giải tỏa. Nhân cơ hội này, tôi nhắc đến thái độ gay gắt của người cán bộ nằm vùng có vũ trang với Ba tôi năm đó, Bác Hai Nhâm giải thích:
- Chuyện đó như thế này nè, trước đồng khởi 14/9/1960, giặc khủng bố phong trào cách mạng mình gắt gao lắm. Cả huyện mình lúc đó ngày nào cũng có người sa vào tay giặc bị chúng bắn giết hoặc tù đày, dân chúng rất hoang mang. Nhân dân tự rèn vũ khí rồi vô rừng tìm cán bộ đòi được giết giặc, nhưng Huyện ủy chưa cho vì còn phải chuẫn bị thời cơ cho đại sự, đồng khởi 14 tháng 9 đó. Lúc này ai nôn nóng đánh giặc đều bị Chi bộ phê bình là “manh động”. Tội manh động lúc đó nặng lắm, thằng cháu mầy không biết đâu. 
- Manh động là sao vậy hen chú – Tôi  thật thà hỏi, chú Ba Mè, chú giải thích:
- Manh động lúc đó được hiểu là việc làm của kẻ lưu manh, không theo tổ chức kỷ luật nào, hoặc là việc làm manh mún, tự phát, không theo tổ chức kỷ luật nào. Hôm ấy có thể có người dân cùng anh em võ trang xã đến gặp Ba cháu đòi đón đánh bọn lính dân vệ xã Long Toàn lên ấp mình tìm bắt cán bộ nằm vùng nhưng anh ấy ngăn cản không cho là theo ý chỉ đạo của đồng chí đầu tàu xã. Anh em võ trang chưa thông nên gay gắt với anh ba vậy thôi.
Thay lời Má, tôi cảm ơn Chú Ba Mè, Bác Hai Nhâm và từ giả ra về. Ngày 18 tháng 7 năm sau, Ba tôi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là liệt sĩ.
Niềm an ủi đến với Má tôi trong chóng vánh. Hai năm sau ngày được công nhận là vợ liệt sĩ, Má tôi đã qua đời!                                                                                                                       Trần Văn Điền
                                                                                           (Khóm 2, Phường 2, thị xã Duyên Hải)





Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Huyền thoại một bút danh


          Trong nghề viết báo tôi có một kỷ niệm nhỏ được bạn đọc thêu dệt thành huyền thoại cho một bút danh. Chuyện thế này…
          Được Ban biên tập Báo Anh Dũng tỉnh Trà Vinh phân công theo dõi quá trình xây dựng Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, thị xã Trà Vinh năm 1970. Để đảm bảo bí mật nhằm phân tán sự chú ý đánh phá của giặc, cấp trên chỉ đạo đưa tin việc xây dựng Đền thờ ở quy mô nhỏ của nhân dân xã Long Đức. Cũng vậy, khi khánh thành Đền thờ Bác Hồ (26/01/1971), có một số cán bộ lãnh đạo cơ quan ngành tỉnh đến dự; Nhưng trong bài tường thuật lễ khánh thành Đền thờ Bác Hồ của tôi đăng trên Báo Anh Dũng mấy ngày sau đó chỉ nêu tên các vị lãnh đạo thị xã Trà Vinh lúc bấy giờ như đồng chí Tư Tranh (Bí thư thị xã ủy), đồng chí Ma Ha Thạch Sa Bút (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng thị xã Trà Vinh)….đến dự, một số vị đại biểu lãnh đạo ngành tỉnh thì không nêu tên vì còn phải đảm bảo an toàn bí mật cho họ và vị trí đóng quân của cơ quan họ.
          Thế nhưng, sau khi xem bài báo của tôi không thấy tên mình, vị Phó Chủ tịch Úy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Trà Vinh (người được cơ quan phân công đi dự lễ) đã viết thơ gởi lãnh đạo cơ quan Báo Anh Dũng phê bình tôi khá gay gắt, đại loại như: “Không biết khi dự lễ, tác giả Trần Điền hay Trần Điên gì đó mãi đi chơi hay sao mà không thấy tôi dự lễ…” (Lúc ấy tôi mới vừa bước sang tuổi hai mươi - Xem thêm “Ngứa Bút” – Nhà báo Ngô Thanh Hòa – Tập san Người Làm báo Trà Vinh 1998 – “Giấc ngủ con thơ” – NBX Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh 2015.)
          Từ đó, bạn đọc lan truyền nhau “sự kiện Trần Điên 1971)” thành “Nhà báo Trâu Điên” theo cách hiễu biết riêng của mình. Cho đến bây giờ, gần nữa thề kỷ trôi qua, không ít người đương thời, vẫn tự hào giới thiệu với bạn bẻ, con cháu họ biết tôi là Nhà báo Trâu Điên theo cách hiễu của mình một cách tự hào về sự hiễu biết của họ trong nghề viết báo của tôi.
          Đối với tôi, mỗi lần nghe ai giới thiệu về bút danh bất đắc dĩ như huyền thoại của mình như vậy, tôi chợt nhớ đến Bác Hồ - Bài tường thuật lễ khánh thành Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, thị xã Trà Vinh cách đây gần nữa thế kỷ.

                                                                     Tối mùng 3 tết Đinh Dậu 2017

                                                                                     TRẦN ĐIỀN

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017


Dưới chân núi Bà Đen
NHỚ VỀ THÁNG NĂM OANH LIỆT ẤY !


Tác giả bài viết dưới chân núi Bà Đen Tây Ninh (Ảnh: Hoàng Khanh)


Ở tỉnh Tây Ninh ngoài núi Bà Đen, địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới ra còn có Di tích lịch sử - văn hóa Trung ương cục miền Nam. Di tích này còn được biết với mật danh trong kháng chiến là “e rờ” (R) tọa lạc vùng giáp giới Việt Nam – Campuchia thuộc địa phận xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh khoảng 60 km theo quốc lộ 22B.
Ở tỉnh Trà Vinh có nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được tổ chức phân công hoặc tình nguyện đi về Trung ương cục miền Nam công tác, hội họp, học tập hoặc thăm chồng, thăm con, thăm cha, mẹ. Lúc ấy người ta gọi với một cụm từ rất tóm tắt và bí mật là đi rờ (R). Nhiều người con Trà Vinh đã gởi lại máu xương trên chiến trường miền Đông oanh liệt này.
Để có chung niềm tự hào với Di tích lịch sử - văn hóa Trung ương cục miền Nam, sau đây Tập san NLB TV xin giới thiệu mẩu chuyện về Người Trà Vinh đi R trong thời kỳ oanh liệt ấy:

 CẢ NHÀ CÙNG ĐI R

Đó là gia đình đồng chí Nguyễn Đức Toàn (1931 – 2008), nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cửu Long (1986 – 1990).
Cuối năm 1961, Ban Chấp hành Trung ương Cục miền Nam (trong kháng chiến có mật danh là e rờ - R) nghị quyết rút đồng chí Nguyễn Đức Toàn, cán bộ Thanh Vận tỉnh Trà Vinh về Ban Dân Vận R để chuẩn bị khung cán bộ thành lập Trung ương Đoàn Thanh niên giải phóng miền Nam xung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mới ra đời ngày 20/12/1960.
Sau gần hai tháng hành quân trên đường giao liên vô cùng khó khăn và nguy hiểm, có những đoạn được giao liên dùng xuồng đưa qua sông lớn len lõi giữa dày đặc giang thuyền địch tuần tra và ba lần qua lộ đông dương dày đặc biệt kích Mỹ, đồng chí Nguyễn Đức Toàn đã đến cơ quan Trung ương Cục miền Nam tưởng chừng như không thể nào đến được.
Hai năm sau, đồng chí Trần Thị Rẫy (vợ đồng chí Nguyễn Đức Toàn – Đảng viên Chi bộ xã Long Hữu – NV) xin phép Chi bộ đi R thăm chồng cũng gần hai tháng theo đường giao liên và được tổ chức giữ lại phân công công tác tại Ban Dân vận R.
Cuối năm 1967, đồng chí Nguyễn Đức Toàn được Trung ương Đoàn phân công làm Tổng đội trưởng kiêm Chính trị viên và Bí thư Đảng ủy Tổng đội TNXP miền Nam.
Tháng 11/1967, đồng chí Trần Thị Rẫy trở lại quê nhà xã Long Hữu, huyện (nay là thị xã) Duyên Hải rước con trai đầu lòng Nguyễn Đoàn Kết lên đường đưa vào làm giao liên tại Ban Chỉ huy quân sự Sài Gòn gia Định trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Đến mùa khô năm 1969, có một đơn vị TNXP miền Nam đến công tác tại huyện Đức Huệ tỉnh Long An. Đơn vị TNXP này đóng gần Văn phòng của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Sài Gòn Gia Định. Đồng chí Ba Phần, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy quân sự thành phố Sài Gòn Gia Định gởi Nguyễn Đoàn Kết theo chuyến công tác của các đồng chí TNXP do đồng chí Tài Ba phụ trách về cơ quan Tổng đội TNXP cho cha. Mười một tuổi đầu, Nguyễn Đoàn Kết - con trai đầu lòng của đồng chí Nguyễn Đức Toàn tự hào có được một tuổi quân.
Ngày 05 tháng 02 năm 1971 cơ quan Trung ương Đoàn nhận được một bức điện từ mặt trận gởi về báo tin đồng chí Trần Thị Rẫy (vợ đồng chí Nguyễn Đức Toàn) trên đường đi công tác bị máy bay Mỹ bắn bị thương rất nặng và đã hy sinh tại quân y khi đồng chí Nguyễn Đức Toàn mới bước vào tuổi bốn mươi ./.

                            

Nhà báo Bùi Quang Huy 
Đồng nghiệp của chúng tôi !

  
Nhà báo Bùi Quang Huy (trái) và tác giả - Ảnh TL

Ngày 30 tháng 11 năm 1971, anh Chín Nhỏ, thay mặt Thủ trưởng Ban TTVHGD (Thông tin Văn hóa Giáo dục) tỉnh Trà Vinh ký tên vào Giấy khen – nguyên văn: “Cấp cho đồng chí: Trần Điền, chức vụ: Phóng viên, đơn vị: Thông tin, báo chí tỉnh Trà Vinh; Đã lập thành tích: Tận tụy với nghề nghiệp, hoàn thành tốt công tác cố gắng học tập và rèn luyện chuyên môn tiến bộ” – Tưởng mới đó mà đã 46 năm. Anh 76 tuổi rồi và tôi cũng không còn trẻ nữa.
Trong cuộc đời này, tôi và anh Chín Nhỏ có khoảng cách không gần. Về tuổi tác, anh hơn tôi đúng 10 năm. Trong cơ quan Ban TTVHGD tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến chống Mỹ, anh thay mặt thủ trưởng. Trong xã hội, anh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với chính danh đồng chí Bùi Quang Huy. Nhưng, trong nghề làm báo mà tôi phụng sự cả cuộc đời này, với tôi, anh là đồng nghiệp.
Năm 1968 tôi vào cơ quan Thông tấn báo chí thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh lúc đó cơ quan đã có anh rồi. Trong bài viết “Cơ duyên với nghề báo” trên Tập san Người Làm báo Trà Vinh số 21/6/2013, anh Chín Nhỏ trò chuyện với phóng viên: Anh tham gia Cách mạng năm 1960 tại Văn phòng Huyện ủy Vũng Liêm (lúc đó thuộc tỉnh Trà Vinh). Năm 1963 anh được rút về công tác tại Tiểu Ban Thông tấn báo chí thuộc Ban Tuyên Huấn tỉnh Trà Vinh. Anh đến với báo chí Trà Vinh và bắt đầu dấn thân với nghề báo từ đó.
Năm 1987, đang là Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long, anh Chín Nhỏ được Tỉnh ủy phân công về làm Bí thư Huyện ủy Duyên Hải – huyện nghèo nhất nhì của tỉnh Cửu Long lúc bấy giờ. Trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Duyên Hải, anh Chín Nhỏ đã làm hai việc mà tới bây tôi còn nhớ – Một là chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối họp với Ban biên tập Báo Cửu Long mở chuyên trang “Duyên Hải từng bước đi lên vững chắc” đăng liên tiếp nhiều kỳ bài viết về huyện Duyên Hải trên báo Cửu Long; Hai là trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Duyên Hải, anh Chín Nhỏ tranh thủ đi thăm gia đình của những đồng chí ở huyện Duyên Hải công tác chung với anh trong Ban Tuyên Huấn tỉnh Trà Vinh hồi kháng chiến. Hôm đến thăm gia đình tôi, trước khi về, anh nói thật thà như nói với bạn:
- Sao mầy không mua cái truyền hình xem ? – Tôi ái ngại trả lời:
- Chưa có tiền anh Chín ơi – Anh cười xởi lởi:
- Gì nhiều đâu mậy, tạ heo đủ rồi.
Được anh Chín Nhỏ động viên, tôi phấn khích:
- Tôi sẽ cố gắng, anh Chín.
Chia tay anh Chín Nhỏ vào buổi chiều muộn bên triền đồi cát Long Toàn nghiêng nghiêng nắng, tôi nung nấu quyết tâm sắm cho được chiếc truyền hình.
Mấy ngày sau, tôi gom tiền mua được con heo con, cả nhà mừng húm. Má tôi cắt lá chuối khô cột chùm cho heo chui vào ngủ. Hàng ngày vợ tôi với thằng con trai 10 tuổi cắt rau muống, rau sam nấu với cám cho heo ăn. Sáu tháng sau heo vô tạ. Vợ chồng tôi dắt heo đến cửa hàng thu mua của huyện. Cửa hàng bên kia con rạch nhỏ, qua đó bằng chiếc cầu tre. Đưa được con heo cả tạ qua đến cửa hàng thu mua, tôi và heo lấm lem bùn đất. Cân heo xong, cô “mậu dịch viên” cửa hàng đưa cho tôi tờ giấy và nói:
- 98 kí. Mười bữa nữa anh xuống nhận tiền. Nay chưa có – Tôi biết trước chuyện này nên bảo:
- Chị cho tôi đổi lấy cái truyền hình.
Cô “mậu dịch viên” lật phía sau tờ giấy viết mấy chữ gì đó đưa cho tôi. Tôi cầm tờ giấy mang sang cửa hàng Công nghệ phẩm của huyện đổi lấy được cái truyền hình Vietronics Biên Hòa 14 in đỏ chót.
            Tôi đem truyền hình về nhà, cả xóm cùng mừng; Người cho cây tre thật dài dựng angten, người cho mượn tiền đóng bình acquy cho có điện, anh thợ làm bình acquy làm giùm mà không lấy tiền công v.v… Gia đình tôi là gia đình thứ ba ở ấp Phước An có truyền hình. Mỗi tối thứ bảy, bà con đến nhà tôi xem cải lương trên truyền hình Cần Thơ như xem gánh hát. Vui vô kể. Tôi thích thú nghĩ thầm:
            Chuyện có vậy thôi, nếu chưa có anh Chín Nhỏ gieo ước mơ chắc lúc đó tôi cũng chưa nghĩ tới !
Năm 1989 anh Chín Nhỏ thôi làm Bí thư Huyện ủy Duyên Hải về làm nhiệm vụ Ủy viên Thường vụ trực Tỉnh ủy Cửu Long. Năm 1990, anh Chín Nhỏ là một trong hai nhà báo đầu tiên ở tỉnh Cửu Long được Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” vì đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp báo chí nước nhà.
Bài viết của anh Chín Nhỏ với những bút danh như: Bùi Nhất Chi, Bùi Quang Huy, đăng trên các báo được anh chọn lọc và in thành các quyển sách đã xuất bản như: “Niềm tin thắng lợi” (Nhà xuất bản Cửu Long 1986); “Ân tình xin gởi lại” (Nhà xuất bản Mũi Cà Mau 2003); “Bến đợi” (Nhà xuất bản Phương Đông 2005); “Hòa Bình” (Nhà xuất bản Phương Đông 2010); “Duyên nợ Đồng bằng” (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh 2011) và mới nhất là quyển “Con đường phía trước” (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông 2014).
Đại hội toàn thể hội viên Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh khóa VI, nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã mời anh Chín Nhỏ làm Chủ tịch danh dự. 
Đại hội toàn thể hội viên Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 trân trọng ghi nhận công lao đóng góp của anh Chín Nhỏ:
Nhiệm kỳ qua, nhờ có sự đóng góp đầy nhiệt huyết của nhà báo Bùi Quang Huy, Chủ tịch danh dự Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh, Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh khóa VI đã lãnh đạo toàn thể hội viên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh khóa VI đề ra.

Trong nghề báo tôi rất hân hạnh có được người đồng nghiệp như thế./.