Dưới chân núi Bà Đen
NHỚ VỀ THÁNG NĂM OANH LIỆT ẤY !
Tác giả bài viết dưới chân
núi Bà Đen Tây Ninh (Ảnh: Hoàng Khanh)
Ở
tỉnh Tây Ninh ngoài núi Bà Đen, địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới ra còn có
Di tích lịch sử - văn hóa Trung ương cục miền Nam . Di tích này còn được biết với
mật danh trong kháng chiến là “e rờ” (R) tọa lạc vùng giáp giới Việt Nam –
Campuchia thuộc địa phận xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã
Tây Ninh khoảng 60 km theo quốc lộ 22B.
Ở
tỉnh Trà Vinh có nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được tổ chức phân công
hoặc tình nguyện đi về Trung ương cục miền Nam công tác, hội họp, học tập hoặc
thăm chồng, thăm con, thăm cha, mẹ. Lúc ấy người ta gọi với một cụm từ rất tóm
tắt và bí mật là đi rờ (R). Nhiều người con Trà Vinh đã gởi lại máu xương trên
chiến trường miền Đông oanh liệt này.
Để
có chung niềm tự hào với Di tích lịch sử - văn hóa Trung ương cục miền Nam, sau
đây Tập san NLB TV xin giới thiệu mẩu chuyện về Người Trà Vinh đi R trong
thời kỳ oanh liệt ấy:
CẢ NHÀ CÙNG ĐI R
Đó là gia đình đồng chí Nguyễn Đức Toàn
(1931 – 2008), nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cửu Long (1986 – 1990).
Cuối năm 1961, Ban Chấp hành Trung ương
Cục miền Nam (trong kháng chiến có mật danh là e rờ - R) nghị quyết rút đồng
chí Nguyễn Đức Toàn, cán bộ Thanh Vận tỉnh Trà Vinh về Ban Dân Vận R để chuẩn
bị khung cán bộ thành lập Trung ương Đoàn Thanh niên giải phóng miền Nam xung
quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mới ra đời ngày 20/12/1960.
Sau gần hai tháng hành quân trên đường
giao liên vô cùng khó khăn và nguy hiểm, có những đoạn được giao liên dùng
xuồng đưa qua sông lớn len lõi giữa dày đặc giang thuyền địch tuần tra và ba
lần qua lộ đông dương dày đặc biệt
kích Mỹ, đồng chí Nguyễn Đức Toàn đã đến cơ quan Trung ương Cục miền Nam tưởng
chừng như không thể nào đến được.
Hai năm sau, đồng chí Trần Thị Rẫy (vợ đồng chí Nguyễn Đức Toàn – Đảng viên Chi
bộ xã Long Hữu – NV) xin phép Chi bộ đi R thăm chồng cũng gần hai tháng
theo đường giao liên và được tổ chức giữ lại phân công công tác tại Ban Dân vận
R.
Cuối năm 1967, đồng chí Nguyễn Đức Toàn
được Trung ương Đoàn phân công làm Tổng đội trưởng kiêm Chính trị viên và Bí
thư Đảng ủy Tổng đội TNXP miền Nam .
Tháng 11/1967, đồng chí Trần Thị Rẫy trở
lại quê nhà xã Long Hữu, huyện (nay là
thị xã) Duyên Hải rước con trai đầu lòng Nguyễn Đoàn Kết lên đường đưa vào
làm giao liên tại Ban Chỉ huy quân sự Sài Gòn gia Định trong chiến dịch Tổng
tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Đến mùa khô năm 1969,
có một đơn vị TNXP miền Nam đến công tác tại huyện Đức Huệ tỉnh Long An. Đơn vị
TNXP này đóng gần Văn phòng của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Sài Gòn Gia Định.
Đồng chí Ba Phần, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy quân sự thành phố Sài Gòn Gia
Định gởi Nguyễn Đoàn Kết theo chuyến công tác của các đồng chí TNXP do đồng chí
Tài Ba phụ trách về cơ quan Tổng đội TNXP cho cha. Mười một tuổi đầu, Nguyễn
Đoàn Kết - con trai đầu lòng của đồng chí Nguyễn Đức Toàn tự hào có được một
tuổi quân.
Ngày 05 tháng 02 năm 1971 cơ quan Trung
ương Đoàn nhận được một bức điện từ mặt trận gởi về báo tin đồng chí Trần Thị
Rẫy (vợ đồng chí Nguyễn Đức Toàn) trên đường đi công tác bị máy bay Mỹ bắn bị
thương rất nặng và đã hy sinh tại quân y khi đồng chí Nguyễn Đức Toàn mới bước
vào tuổi bốn mươi ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét