Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010



CHÀO BIỂN CẢ

Hình dáng quê tôi như con tàu
Căng buồm lộng gió dưới trời cao
Khoan thai cởi sóng - Chào biển cả !
Dào dạt trong long những khát khao !

(Thơ Trần Điền - Trích từ Lịch sử Đảng bộ huyện Duyên Hải)

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Gặp em trên đồng Muối

Muối Cồn Cù - Trà Vinh

Gặp em trên đồng Muối

Tháng ba nắng cháy da người
Trên đồng muối, em vẫn ngồi quay xa
Nước theo cánh quạt chảy qua
Bọt tung cuồn cuộn như là mây bay
Nắng tuôn lên mặt nước này
Kết thành hạt muối lắc lay xuống đồng
 Hỏi em : - Muối có mặn không ?   
 Em cười buông giọng trong trong bên đường:
Tình người vẫn mặn mà hơn
 Anh đi nhớ ghé quê Cồn của em
Ven rừng ríu rít tiếng chim
Biển trưa sóng vỗ triều lên gọi mùa
Trông trời khoan hãy đổ mưa
Để cho muối kịp vào mùa đông khuôn
Da em dù có đen hơn
Miễn sao hạt muối ngày thêm nặng đồng
 Ngắm đồng muối trắng mênh mông
Thương em gội nắng mấy lần bỏng da
Làm nên hạt muối trắng ngà
Để ai cũng được mặn mà tình em !

Tháng 4/1982

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

Ngày 24/4/2010: Cầu Cần Thơ nối đôi bờ sông Hậu

Phà Cần Thơ sắp hoàn thành sứ mệnh lịch sử
 98 năm đưa rước khách qua sông Hậu
Ảnh: Trần Điền

Phà Cần Thơ - Chuyến cuối cùng chiều ngày 23/4/2010
Ảnh: Trần Điền
Cầu Cần Thơ lung linh ánh điện tối 23/4/2010
Ảnh: Trần Điền


Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Đây là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á. Và là công trình lớn nhất trên Quốc lộ 1, được khởi công xây dựng ngày 25/09/2004

Toàn tuyến dự án Cầu Cần Thơ dài 15,85 km với điểm khởi đầu tại Km 2061 trên Quốc lộ 1 thuộc huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, đi tránh Quốc lộ 1 và thành phố Cần Thơ, vượt qua sông Hậu ở cách bến phà hiện hữu về phía hạ lưu 3,2 km, nối trở lại Quốc lộ 1 tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, Cần Thơ.

Tổng mức đầu tư 4.832 tỷ (thời điểm 2001, tức là khoảng 342,6 triệu USD) bằng nguồn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của chính phủ Nhật và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (khoảng 15%).

Dự án được chia thành 3 gói thầu:

Gói thầu 1 là đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 km trong đó có 4 cầu qua kênh Trà Và lớn, Trà Và nhỏ, sông Trà Ôn và vượt Quốc lộ 54. Gói thầu này do Liên doanh Tổng Công ty Thăng Long, Tổng Công ty 6, Tổng Công ty 8 thi công trong 42 tháng.

Gói thầu 2 là cầu chính. Tổng chiều dài cầu chính là 2,75 km.

o Gói thầu này do Liên doanh 3 nhà thầu Nhật Bản là các tập đoàn Taisei, Kajima và Nippon Steel thi công trong 50 tháng.

Gói thầu 3 là đoạn đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 km trong đó có 6 cầu qua kênh Cái Tắc, kênh Cái Da, kênh Ap Mỹ, kênh Cái Nai, sông Cái Răng và vượt Quốc lộ 91B. Gói thầu này do nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trung Quốc thi công trong 45 tháng.

Khổ cầu rộng 23,1m trong đó có bốn làn xe, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m. Tốc độ thiết kế cho xe lưu thông là 80 km/giờ, qua các khu dân cư 60km/g.
Cầu Cần Thơ được khánh thành vào lúc 09h30 sáng ngày 24/04/2010.

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Một góc chiến trường ngày ấy tôi qua !


Rời hàng quân, anh nghiêm trang bước tới
Tiếng người chỉ huy- Rắn rỏi đường hoàng
- Đây; Trận cuối cùng, lịch sử sang trang!
- Tôi xin nhận trọng trách vinh quang đó!

Trời Đại Phước quân kỳ reo trong gió
Sông Ba Trường sóng nước vội dâng đầy
Những dòng người dồn dập đổ về đây
Chiếm điểm X, đúng giờ G - đã hẹn

Tay lần gậy, mắt mẹ già rực sáng
Trán nhăn nheo, miệng bỏm bẻm nhai trầu
Nghe dậy lòng, hoà nhịp khúc quân reo
Trông đàn cháu cho cả nhà vào trận

Khuấy sóng nước, mái dầm bơi tấp nập
Xuồng nối xuồng, chen chật khoảng sông dài
Dồn căm hờn vào trận đánh hôm nay
Trút bão lửa xuống đầu quân man rợ

Khắp các ngã, bước quân đi như gió
Vờn dưới mây, sắc biếc mũ tai bèo
Pháo ngàn cân, phồng vai người lính trẻ
Cô dân công vác đạn nặng, vượt theo

- Vội quá đi anh, mình chia tay nhé
- Sau giờ G tâm sự sẽ nhiều hơn
- Quê biển bây giờ, chắc mẹ đang trông
- Nhà em đó, chiến thắng về nhớ ghé

Chiếc băng đỏ , sáng lòng người tự vệ
Mỏi mắt chờ giây phút hợp đồng nhau
Cô học sinh, quyển sách gấp vội vào
Sân trường nhỏ, cháy rực màu cánh phượng
Hướng điểm X- Năm cánh quân- đúng hẹn
Dội pháo gầm, đồng loạt thét xung phong
Xác quân thù gục đổ dưới chân anh
Vòng vây khép dưới ngàn xanh sắc lá

Người lớp lớp, lao ra tràn đường phố
Được hả lòng bao năm tháng đợi mong
Dòng nước mắt chan cái hôn, rất vội
Cả Trà Vinh rợp nắng sắc cờ hồng

Dòng thác người miên man cuồn cuộn dậy
Vạn nguỵ quân run rẫy bỏ súng hàng
- Chiến thắng rồi- Cả nước bật hô vang
- “ Ba mươi tháng tư bảy lăm"
- Huy hoàng trang sử mới

Cờ đỏ bay lộng trời xanh chói lọi
Đổi thay đời đất nước gọi sang xuân
Vinh quang này muôn thuở liệt oanh
Xin trước hết được kính dâng lên Đảng

Và mãi mãi ghi ơn người ngả xuống
Nối nhịp cầu chiến thắng đón ta qua !

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

HÔM NAY (14.4.2010)
ĐỒNG BÀO KHMER NAM BỘ VÀO NĂM MỚI
CHÔL CHNAM THMAY

Hàng năm, sau tết nguyên đán, vào trung tuần tháng tư dương lịch, đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh Nam bộ Việt Nam tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây – Từ này dịch theo tiếng Khmer tức là Vào năm mới – Đây là tết chịu tuổi của đồng bào dân tộc Khmer. Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2010 diễn ra trong 3 ngày 14, 15 và 16/4.
Trong những ngày này, mọi công việc ruộng rẫy bà con đều dừng lại để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Vào dịp này, con cháu dù ở xa xôi đến đâu cũng trở về để sum họp cùng gia đình trong ba ngày Tết.
Ngày tết đầu tiên ( 14/4 dương lịch), mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, mang theo nhang đèn, lễ vật đi chùa. Ở chùa, sẽ tổ chức tụng kinh, rắc nước có hương thơm ở một số nơi nhằm tiễn đưa vị thần năm cũ, xua đuổi tà ma, tẩy rửa điều xui xẻo của năm cũ, đồng thời cũng là cách làm trong sạch về mặt tinh thần để đón vị thần năm mới. Tại gia đình, các bậc con cháu tổ chức đi thăm và dâng quà, bánh trái cho ông bà, cha mẹ, người thân hoặc những người có ân đức với mình.
Sang ngày thứ hai, đồng bào tổ chức nghi thức rước năm mới. Đầu tiên là rước Mahasoongkran (tức là cuốn đại nông lịch Khmer). Dẫn đầu đoàn rước là chằn mang mặt nạ oai vệ tay cầm gậy múa mở đường, theo sau là đội trống Chhay dăm hoặc dàn nhạc ngũ âm. Sau khi đoàn rước đi ba vòng quanh ngôi chùa chính, bà con phật tử sẽ vào chính điện cùng tụng kinh để đón chờ vị thần năm mới. Riêng lớp thanh thiếu niên trẻ tuổi thì tổ chức các trò vui chơi dân gian như: Kéo co, bịt mắt đập nồi, nhảy bao, đánh bóng hay các tiết mục văn nghệ như: Rom vong, hát aday đối đáp, chơi chhay dăm hay xem rô băm, dù kê, phim ảnh…Cũng trong ngày này, bà con còn tổ chức lễ đắp núi cát hoặc núi lúa xung quanh ngôi chính điện để cầu ước cho năm mới trở nên giàu có, của cải chất cao như núi. Tất cả các nghi lễ này đều được các thế hệ lưu truyền và gìn giữ, theo Phật giáo gọi là Anisoong pun phnum khsách (phúc duyên đắp cát).
Sang ngày tết thứ ba, sau khi dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư, bà con mang nước ướp hương thơm cùng nhang đèn đến đền thờ Phật làm lễ tắm tượng Phật và sư sãi cao niên. Ở gia đình cũng tổ chức tắm rửa cho ông bà, cha mẹ và thay bộ quần áo mới do con cái dâng tặng. Việc tắm rửa này sẽ giúp tẩy rửa bụi trần của năm cũ và chúc phúc, chúc thọ cho người lớn tuổi. Bên cạnh đó, các nghi lễ cầu siêu cho vong linh người quá cố cũng được tiến hành trang trọng tại nghĩa trang và gia đình.
Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ thể hiện quan niệm của người Khmer về chu kỳ vận chuyển của tạo hóa, lấy mùa mưa làm mốc để đánh dấu thời gian mà còn nhằm giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, đoàn kết gắn bó chặt chẽ với cộng đồng. Tết Chôl Chnăm Thmây còn là dịp để đồng bào dân tộc Khmer gửi gắm ước mơ hạnh phúc, ý thức hướng thiện và lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ và những người có công lao với dân tộc, đất nước
Ở miền Tây Nam bộ có khoảng 1,3 triệu đồng bào  dân tộc Khmer..

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010




Từ 1/5/2010

Hàng tháng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được trợ cấp 1.376.000đ và phụ cấp 646.000đ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35/2010/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, tất cả các mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với từng đối tượng người có công đều sẽ tăng so với quy định cũ tại Nghị định 38/2009/NĐ-CP.

Tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng

Cụ thể, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 thuộc diện thoát ly được hưởng mức trợ cấp là 861.000 đ/tháng (trước là 767.000đ) và hưởng thêm phụ cấp 146.000 đ/thâm niên (trước là 130.000đ); diện không thoát ly là 1.462.000đ/tháng (trước là 1.302.000 đ). Thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 từ trần được trợ cấp tiền tuất 770.000đ/tháng (trước 685.000đ) và trợ cấp tuất nuôi dưỡng 1.291.000đ/tháng (trước 1.150.000 đ).

Thân nhân liệt sĩ được trợ cấp hàng tháng từ 770.000đ - 1.376.000đ/tháng (trước 685.000 đ - 1.225.000đ); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến được trợ cấp 646.000đ/tháng (trước là 575.000đ); Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngoài trợ cấp 1.376.000đ/tháng (trước là 1.225.000đ) còn được hưởng mức phụ cấp 646.000đ/tháng (trước là 575.000đ).

Ngoài ra, Nghị định quy định chi tiết mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với một số thương binh loại B, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng và trợ cấp ưu đãi hàng tháng tại các trường đào tạo, trường phổ thông dân tộc nội trú với mức thấp nhất là 387.000 đ/tháng và cao nhất là 1.963.000 đ/tháng.

Trợ cấp ưu đãi 1 lần tăng tương ứng theo mức chuẩn

Mức trợ cấp ưu đãi 1 lần đối với các đối tượng có công tuy vẫn giữ nguyên như quy định cũ, nhưng do mức chuẩn tăng nên mức trợ cấp cụ thể cũng tăng tương ứng.

Cụ thể, mức trợ cấp đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến chết trước ngày 1/1/1995; Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động động trong kháng chiến được truy tặng là 20 lần mức chuẩn, tương ứng 15.400.000đ.

Các trường hợp bị thương suy giảm lao động từ 5%-20% được hưởng mức trợ cấp từ 4-8 lần mức chuẩn. Người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù, đày, tùy vào thời gian bị địch bắt từ dưới 1 năm đến trên 10 năm, mức trợ cấp tương ứng từ 500.000đ - 2.500.000đ...

Tăng trợ cấp thương tật đối với thương binh

Nghị định mới cũng quy định tăng mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Tùy theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, mức trợ cấp tối thiểu là 519.000đ, cao nhất là 2.471.000đ (quy định cũ là từ 462.000đ - 2.200.000đ). Đối với thương binh loại B, mức trợ cấp thương tật mới sẽ áp dụng là từ 429.000đ - 2.044.000đ.( Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ).

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

HOA TẾT



Sắc Xuân 2010 - Ảnh Trần Điền